Diễn biến chính trị trong thời gian chiến dịch Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Lời chấp nhận Tuyên bố Potsdam của Thiên Hoàng Chiêu Hoà trên đài phát thanh Tokyo 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8 năm 1945.

Trục trặc khi nghe tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn.

Ngay trong ngày 9 tháng 8, trong cuộc họp Hội đồng Chiến tranh Tối cao khai mạc lúc 10:30, thủ tướng Kantaro Suzuki đánh giá rằng Việc Liên Xô tham chiến sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát, khiến cho chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh được nữa[111]. Tình thế đã trở nên rõ ràng ngay cả với phe chủ chiến do Đại tướng Korechika Anami - Bộ trưởng Bộ Chiến tranh - đứng đầu, nên chủ đề của cuộc họp xoay quanh chấp nhận Tuyên bố Potsdam với những điều kiện như thế nào để bảo toàn "quốc thể" (國體, kokutai).[112]

Tuy nhiên, trong khi phe chủ hoà định nghĩa quốc thể là sự bảo toàn Hoàng gia, thì phe chủ chiến diễn dịch quốc thể là sự bảo toàn quyền lực tối thượng của Hoàng gia mà Quân đội có một vai trò trong đó. Với cách diễn dich đó, phe chủ chiến đưa ra 4 điều kiện, trong đó có việc truy tố tội phạm chiến tranh và giải giáp Quân đội phải do người Nhật thực hiện. Tranh luận giữa 2 phe khiến cuộc họp chấm dứt bằng sự bế tắc. Vì thế thủ tướng Suzuki đề nghị vào cung xin Thiên hoàng đưa ra "thiên đoán" (聖断, seidan, có nghĩa là "quyết định thiêng liêng").[112]

Quyết định của Thiên hoàng

Ngày 10 tháng 8, sau khi nghe tin về cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô và ý kiến của hai phe chủ hòa, chủ chiến, Thiên hoàng Chiêu Hòa đưa ra lời phán:

Trẫm đã nghĩ kĩ rồi. Người Nga đã tham chiến. Nhật Bản đang lâm vào tình thế "lưỡng đầu thụ địch" cả hai mặt đều bị tiến công. Chỉ còn một giải pháp do thủ tướng Suzuki đề xuất mới có thể tìm được lối thoát.[113]

Cũng trong ngày 10 tháng 8, Thiên hoàng đã truyền Bộ trưởng Ngoại giao Togo thảo công hàm gửi đến tứ cường ngỏ ý chấp nhận chấm dứt chiến tranh với điều kiện đất nước không bị chiếm đóng và thể chế Thiên Hoàng được bảo vệ[113]. Sau khi thảo xong công hàm, Togo đã mời đại biện lâm thời Thụy Sĩ tới trụ sở Bộ Ngoại giao nhờ chuyển giúp công hàm đến tứ cường.[114] Ngày 12 tháng 8, đài phát thanh San Francisco truyền đi trả lời của Đồng Minh, từ chối các điều kiện của Chính phủ Nhật Bản nhưng hứa hẹn hình thức cai trị của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật tự do quyết định[115]. Một lần nữa, Thiên Hoàng đứng về phe chủ hoà, đồng ý bước qua bức màn thần bí truyền thống để ghi âm lời phát biểu chấp nhận Tuyên bố Potsdam vô điều kiện.[116]

Trong khi đó, phe chủ chiến vẫn nỗ lực trong tuyệt vọng để giữ vị thế của Quân đội như là một phần của "quốc thể" nhằm tìm kiếm cơ may sống sót[117]. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 8, một số sĩ quan của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhật Bản tổ chức đánh lừa Sư đoàn Ngự lâm quân, thâm nhập Hoàng cung với ý định cô lập Thiên Hoàng, thu giữ cuốn băng ghi âm phát biểu của Thiên Hoàng và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, âm mưu bị tướng Tanaka, chỉ huy phòng thủ Miền Đông Nhật Bản, đập tan[118]. Lúc 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8, lời phát biểu của Thiên hoàng Chiêu Hòa đã được phát trên đài phát thanh Tokyo:

Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam, chúng ta vô cùng thương tiếc những người đã chết nhưng bây giờ là lúc cần phải kiềm chế cảm xúc của mình... Hãy để cho mọi người được sống với nhau như một gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác, Tổ quốc thiêng liêng luôn đặt niềm tin vĩnh cửu của mình vào họ và hãy suy nghĩ về gánh nặng của trách nhiệm trên con đường đi tới tương lai. Cần phải tập hợp tất cả lực lượng để xây dựng tương lai. Hãy đem sự trung thành vô hạn, sự giải phóng về tinh thần, sự trau dồi trí tuệ và không ngừng vượt qua khó khăn để làm sao cho sự vinh hiển của đế quốc luôn song hành với sự tiến bộ của thế giới
— Thiên hoàng Chiêu Hòa, phát biểu trên đài phát thanh Tokyo, 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8 năm 1945, [119]

Khác với Adolf Hitler cố gắng kéo nước Đức theo sự huỷ diệt của mình hơn 3 tháng trước đó, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã đưa lại cho đất nước Nhật Bản một cơ hội tương lai.

Đạo quân Quan Đông đầu hàng

Ngày 15 tháng 8, sau khi lời của Thiên Hoàng được phát trên Đài phát thanh Tokyo, nội các của Thủ tướng Kantarō Suzuki từ chức. Sáng sớm cùng ngày, Đại tướng Korechika Anami, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, mổ bụng tự sát. Thiếu một người ra quyết định, nên ngày 15 tháng 8, Đại Bản doanh Quân đội Nhật Bản ban hành Quân lệnh số 1381 yêu cầu "tiếp tục nhiệm vụ, nhưng ngưng tấn công chờ mệnh lệnh kế tiếp", còn ngày 17 tháng 8 lại ban hành Quân lệnh số 1382 yêu cầu "trong lúc đàm phán đầu hàng phải ngưng chiến sự trừ khi phải tự vệ". Do Đạo quân Quan Đông đang bị tấn công, nên cả hai Quân lệnh đều không có ý nghĩa là chỉ thị buông vũ khí.[120]

Vì thế, Bộ Tư lệnh Đạo quân Quan Đông phải tự diễn dịch tuyên bố của Thiên hoàng[120]. Ngày 16 tháng 8, Bộ Tư lệnh Đạo quân Quan Đông đã ra một mệnh lệnh ngắn gọn: "Theo lệnh Thiên Hoàng, các đơn vị đình chỉ các hoạt động chiến đấu". Ngày hôm sau, Đại tướng Yamada Otozō gửi một bức điện đến Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Xô tại Viễn Đông yêu cầu ngưng bắn, nhưng Nguyên soái A. M. Vasilevsky từ chối, yêu cầu phải có mệnh lệnh đầu hàng dứt khoát cho mọi đơn vị thuộc cấp. Ngày 18 tháng 8, Bộ Tư lệnh Đạo quân Quan Đông chính thức ban hành lệnh đầu hàng và thông báo cho phía Liên Xô.[121]

Ngày 19 tháng 8, Nguyên soái A. M. Vasilevssky đồng ý dùng máy bay Liên Xô đưa Trung tướng Tham mưu trưởng Đạo quân Quan Đông Hata Hikosaburo, Đại sứ Nhật Bản tại Mãn Châu Quốc Miyakawa cùng 7 tướng lĩnh và sĩ quan tùy tùng đến Tổng hành dinh tại Chita bàn việc đầu hàng cụ thể. Theo thỏa thuận, thì Quân đội Nhật Bản phải đầu hàng toàn bộ và giao nộp vũ khí, phương tiện chiến tranh, kho tàng quân dụng phải tiến hành xong trước 12 giờ trưa ngày 20 tháng 8, đồng thời được phép sử dụng các phương tiện thông tin, vận tải của Liên Xô kể cả máy bay, để truyền lệnh đầu hàng đến các đơn vị cấp thấp. Phía Liên Xô cam kết bảo đảm an toàn cho tất cả các tù binh Nhật.[122]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...